13/08/2023 Phạm Hữu Tuần
CÁC NGÀNH NGHỀ ĐÀO TẠO
Khoa thực hiện nhiệm vụ đào tạo 02 ngành: Kế toán doanh nghiệp và Công tác xã hội
I. GIỚI THIỆU NGHỀ KẾ TOÁN DOANH NGHIỆP
Với phương châm “học đi đôi với hành” nên trong quá trình đào tạo ngoài kiến thức được học ở Nhà trường, học sinh còn được đi tham quan thực tế mô hình kế toán tại các doanh nghiệp, được trải nghiệm những kỹ năng thực hành kế toán mô phỏng, từ đó giúp các em học sinh nắm vững và nâng cao kiến thức chuyên môn, tự tin, năng động trong xử lý tình huống, biết cách quản lý và phân bổ thời gian một cách hợp.
Mục tiêu đào tạo:
1. Lập trường, tư tưởng
- Phải có phẩm chất đạo đức, lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và có lòng tự tôn dân tộc.
- Có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm và tuân thủ các quy định của Nhà nước về lĩnh vực kế toán.
- Trung thực, khách quan, đoàn kết, không tư lợi, bè phái gây thất thoát tài sản của Nhà nước cũng như của doanh nghiệp.
2. Kiến thức và kỹ năng chuyên môn
2.1. Kiến thức
- Nắm vững nguyên lý chung của hoạt động kế toán, các nguyên tắc ghi chép trong kế toán, nguyên tắc lập các báo cáo tài chính.
- Vận dụng được những kiến thức liên nghề về kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học công nghệ, luật pháp… trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán.
- Hiểu biết những kiến thức chung về các vấn đề kinh tế, chính trị, pháp lý, xã hội liên quan đến môi trường hoạt động của doanh nghiệp và của nghề kế toán.
- Nắm vững kiến thức về hệ thống kế toán, kiểm toán và thuế của Việt Nam, vận dụng các kỹ năng phân tích báo cáo tài chính, phân tích hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
2.2. Kỹ năng chuyên môn
- Kỹ năng xử lý ghi nhận các giao dịch kinh tế phát sinh vào sổ sách kế toán.
- Kỹ năng lập và trình bày báo cáo tài chính và các báo cáo kế toán quản trị theo yêu cầu cung cấp thông tin cho nhà quản lý.
- Kỹ năng thống kê, xử lý và phân tích thông tin để hỗ trợ cho quá trình ra quyết định quản lý.
- Kỹ năng thu thập bằng chứng và thực hiện các thủ tục kiểm toán trong hoạt động kiểm toán.
- Thành thạo phần mềm kế toán cũng như các phần mềm quản lý văn phòng.
- Khả năng tư duy tốt, logic để xử lý các bảng biểu, con số và những vấn đề phức tạp trong kế toán, kiểm toán.
3. Cơ hội việc làm
Kế toán có vai trò quan trọng trong các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian, các đơn vị hành chính sự nghiệp… Vì vậy sau khi tốt nghiệp, người học có cơ hội làm việc ở nhiều vị trí khác nhau như: Kế toán kho, thu ngân, giao dịch viên, kiểm soát viên, thanh tra kinh tế, thuế, hải quan…
II. GIỚI THIỆU NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI
- Đây là nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc những người bị đẩy ra ngoài xã hội (như người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già...). Sứ mệnh của nghề Công tác xã hội là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu tối đa những rủi ro đối với nhóm người yếu thế, đồng thời tạo cơ hội cho họ tiếp cận nguồn lực, chính sách và dịch vụ xã hội. Qua đó, Công tác xã hội góp phần xây dựng một hệ thống an sinh xã hội tiên tiến, hạn chế phát sinh các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hướng đến một xã hội lành mạnh, công bằng và hạnh phúc.
- Chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu bậc 4 trong khung trình độ Quốc gia Việt Nam. Ngoài việc học kiến thức chuyên môn trên lớp học sinh cũng thường xuyên trau dồi kỹ năng nghề nghiệp và tiếp cận thực tế thông qua các hoạt động xã hội tại các cơ sở xã hội, trung tâm bảo trợ xã hội… từ đó giúp các em có cái nhìn sâu sắc hơn về nghề, có thêm kinh nghiệm và kỹ năng xử lý các tình huống thực tế.
Mục tiêu đào tạo:
1. Lập trường, tư tưởng
- Phải có phẩm chất đạo đức, lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và có lòng tự tôn dân tộc.
- Có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm và tuân thủ các quy định của Nhà nước, của cơ quan về lĩnh vực Công tác xã hội.
- Luôn lắng nghe, chia sẻ, động viên, đồng cảm và tuyệt đối bảo mật thông tin của các đối tượng xã hội.
2. Kiến thức và kỹ năng chuyên môn
- Nghề Công tác xã hội đào tạo ra đội ngũ nhân lực có đạo đức và năng lực làm việc liên quan đến can thiệp và giải quyết các vấn đề mà một cá nhân hoặc một nhóm người, một cộng đồng đang gặp phải theo các cấp độ khác nhau.
- Hoạch định các chính sách xã hội trên cơ sở nhu cầu của đối tượng hướng đến nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề mà họ đang gặp phải, qua đó cũng nhằm góp phần đảm bảo nền an sinh xã hội.
3. Cơ hội việc làm
- Sau khi tốt nghiệp, người học nghề Công tác xã hội có thể làm việc tại các cơ quan, đơn vị của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp từ trung ương đến địa phương, hoặc làm việc tại các cơ quan cung cấp dịch vụ xã hội cho các đối tượng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: phúc lợi xã hội, y tế, pháp luật, giáo dục… Người làm công tác xã hội cũng có thể làm việc độc lập với vai trò như là nhân viên xã hội, kiểm huấn viên hay có thể nâng cao trình độ để trở thành một chuyên gia, một nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách xã hội…
© Bản quyền 2021 - Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Công đoàn Bình Dương
Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Website truongcongdoanbd.edu.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Công đoàn Bình Dương